Đời tư của Friedrich II Friedrich II của Phổ

"Friedrich der Große auf Reisen" (Friedrich vi hành), hoạ phẩm của Adolph von Menzel (1815–1905).

Friedrich II từng tỏ ra thất vọng với căn bệnh sún răng của ông và em gái là Công chúa Brunswick (Charlotte).[190] Ông không phải là một nam giới ghét phụ nữ, vì, như đã nói ông là bạn thân của người chị mình, thậm chí ông còn có ít nhất là hai mối ái tình với nữ giới khi còn trẻ.[14] Tuy thế nhưng theo một số nhà sử học,[191] ông có lẽ là người đồng tính luyến ái hoặc lưỡng tính, thậm chí có khả năng là một người độc thân. Do ông thân mật đến mức lạ thường với người lính hầu Christoph Keith, vua cha Friedrich Wilhelm I đã truyền lệnh đày ải Keith. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục viết thư tình cho người vệ sĩ mới của mính là Trung tá Borcke (1728), theo đó "Chẳng ai yêu mến Ngươi bằng Ta đâu...", và đề nghị Borcke "đền đáp" tình yêu thương mà ông dành cho viên Trung tá.[192] Ông và Trung uý Hans Hermann von Katte (1704 – 1730) cũng bị nhiều quan viên trong Triều đình Phổ cho là có quan hệ đồng tính luyến ái.

Sau khi Hermann von Katte bị Friedrich Wilhelm I hành hình, Friedrich bị buộc phải cưới Quận chúa Elisabeth Christine xứ Brunswick-Bevern. Sau khi vua cha Friedrich Wilhelm I qua đời năm 1740, ông sống tách biệt với vợ mình. Trong những năm sau đó, mỗi năm Friedrich chỉ đến thăm vợ một lần và không có con nối dõi.[193][194] Sau khi Katte chết, nhà vua có một người bạn mới: Fredersdorf. Sau này, ông đã phong Fredersdorf làm quan đại thần và gây sốc cho tầng lớp địa chủ Phổ bằng việc ban cho con trai của người nông dân trẻ tuổi một điền trang. Ông còn có một người bạn khác, Keyserling, theo một nhà ngoại giao người Pháp, nhà vua chung sống với Keyserling trong vòng nhiều tiếng đồng hồ, và không cho Keyserling ra ngoài đường, vì "sợ thiên hạ dị nghị về ông ta".

Friedrich năm 68 tuổi, qua nét vẽ của họa sĩ người Thụy Sĩ Anton Graff.

Friedrich II thường sinh sống tại điện Sanssouci, nơi mà ông yêu thích nhất tại thành phố Postdam. Đó là cung điện mà ông xây cất sau khi cuộc chiến tranh Silesia lần thứ hai kết thúc. Tương truyền khi ông đang thị sát vùng Postdam và nghỉ chân dưới bóng cây trên một ngọn đồi, ông đã nhìn thấy dòng sông Havel uốn lượn và một dãy núi xinh đẹp phía sau, đồng thời về phía xa còn có đồng ruộng bao la và mùi thơm lúa mạch đã làm nhà vua thấy hết sức dễ chịu, không còn vướng bận ưu phiền. Thế là ông đã quyết định xây một cung điện mùa hè cho mình tại đây, đó chính là Cung điện Sanssouci. Chính tay nhà vua đã thiết kế cung điện này.[195] Sau khi khánh thành thì Cung điện Sanssouci lúc nào khách khứa cũng đông nghẹt, tuy nhiên các quan khách ít khi thấy nhà vua ở bên cạnh Hoàng hậu Elisabeth Christine. Thật vậy, Friedrich II thường lấy lý do bận việc nước để Hoàng hậu không "quấy rầy" mình. Chị gái của ông, Công chúa - Nữ Bá tước xứ Bayreuth Friederike Sophie Wilhelmine (1709 – 1758) từng than phiền như sau:

Cung điện riêng của Đức Vua chẳng khác nào một nhà tu, còn Đức Vua chính là viện trưởng của tu viện.
— Công chúa Wilhemina, [196]

Sự đồng tính luyến ái của Quốc vương cũng được thể hiện trong một bài thơ ca ngợi Sanssouci, khi ông dời về đây: "Trong vương cung được trang hoàng lộng lẫy này/Đôi ta hãy cùng tự do chung sống...". Không những thế, Ngôi đền Tình Bạn tại Postdam cũng là nơi tán dương những mối tình đồng tính luyến ái trong thời kỳ Hy Lạp cổ điển, được trang hoàng với chân dung của OrestesPylades ở giữa những nhân vật khác.[197] Bản thân nhà vua gọi những nhân vật này là "các anh hùng của tình bạn". Ngôi đền được xây dựng dựa theo một bài thơ cùng tên do Voltaire viết vào năm 1732, được Friedrich vào tháng 9 năm 1737.[188]

Một trong những thượng khách đã được Friedrich II tiếp đón tại khu Sanssouci là chính nhà triết học người Pháp Voltaire. Vào tháng 7 năm 1750, Voltaire đến Berlin. Là viên thị thần của ông, Voltaire được Friedrich chu cấp cho 20.000 quan Pháp và sống tại một trong những cung điện vua Phổ.[198] Friedrich và Voltaire đã làm bạn với nhau trong gần 50 năm, một tình bạn nổi tiếng trên khắp lục địa Âu châu. Có lần, Voltaire từng gửi tặng một bài thơ cho ông, ví ông như Julius Caesar - vị hoàng đế đồng tính luyến ái, đã cải cách hệ thống lịch thời kỳ La Mã cổ đại.[199] Không những thế, Voltaire từng ví von nhà vua với những thi sĩ Horace, Catullus, Maecenas, nhà triết học Sokrates, các Hoàng đế Augustus, Titus, Antoninus Pius, Flavius Claudius Julianus, "Hoàng đế Marcus Aurelius đời mới", "Ngôi sáng sao trên bầu trời phương Bắc" hay "Vua Solomon của phương Bắc".[200][201][202] Voltaire trở thành người thầy, nhà triết học và người bạn tận tuỵ nhất của Friedrich.

Tượng nhà vua tại Lâu đài Hohenzollern.

Bên cạnh đó, hai người thường gây sự với nhau, vì Voltaire là người phản đối chủ nghĩa quân phiệt Phổ dưới thời Friedrich II. Voltaire đã kể cho nhà vua bài học về vua Thụy Điển Karl XII mang hoài bão quá lớn và thất bại trong Đại chiến Bắc Âu, đồng thời phê phán gay gắt ông vua quân phiệt nước Phổ trong tác phẩm "Candide, ou l'Optimisme" (Ngay thẳng, hay lạc quan).[203] Vào năm 1753, Voltaire phê phán dữ dội Viện trưởng Pierre-Louis Moreau de Maupertuis của Viện Hàn lâm Khoa học Berlin trong tác phẩm "Chỉ trích ông Tiến sĩ Akakia" (Histoire du Docteur Akakia et du Natif de St Malo). Thấy vậy, vua Friedrich II nổi giận, ông hạ lệnh cho đốt sách "Chỉ trích Tiến sĩ Akakia" và tống giam Voltaire vào một căn nhà. Một tác gia ẩn danh đã sáng tác cuốn "Cuộc sống riêng tư của vua Phổ" (The Private Life of the King of Prussia), theo một số người thì tác giả ẩn danh này chính là Voltaire sau khi rời khỏi nước Phổ. Tác phẩm này đã ghi nhận rằng Friedrich II là một vị vua đồng tính luyến ái. Hay tin, nhà vua nước Phổ không phủ nhận mà cũng không cho rằng nội dung quyển sách này là đúng, mà cũng không tố cáo Voltaire là người đã viết nó. Vài năm sau, ông và Voltaire lại trở thành bạn bè, nhưng sau này họ lại tố cáo lẫn nhau để rồi họ lại chia rẽ nhau như trước.[204] Song, Voltaire viết về trận xung đột với nhà vua nước Phổ như sau:

Hai người tình bất hòa với nhau, nói cách khác là hai kẻ náo loạn Hoàng cung giận nhau. Tuy nhiên, tình yêu thương nồng nàn vẫn bất diệt.

— Voltaire

Sự chia rẽ giữa ông và Voltaire cũng không cản trở việc nhà triết học Pháp ghi chép một cách thẳng thắn. Trong cuốn "Hồi ký" (tên tiếng Pháp: Mémoires, 1759) của Voltaire, nhà triết học này đã viết về sự đồng tính luyến ái của vua Friedrich II, bằng lối văn chương trào phúng thầm lặng. Theo ghi nhận của Voltaire, nhà vua ngủ theo kiểu Sparta trên một chiếc võng giản dị của Quân đội nước Phổ. Tuy nhiên:

...khi Đức Vua vận Hoàng bào và mang hia, triết học Khắc kỷ phải nhường chỗ cho trường phái Epicurus trong một khoảng thời gian ngắn. Có hai hoặc ba sủng thần tới gặp Ngài, họ là những Trung uý trong Quân đội Triều đình, hoặc là những Học viên trẻ của Trường Sĩ quan, những anh lính hầu, hoặc là những haidouk (lính bộ binh người Hungary. Họ đã cùng nhau uống cà phê. Ngài mà thả một chiếc khăng quàng cổ vào anh chàng nào thì anh ta sẽ còn ở riêng cùng Ngài thêm 15 phút nữa. (Trong cung cấm của Thổ Nhĩ Kỳ, một nguyên phi được chọn để ăn nằm với Sultan thường ra mắt Sultan với một chiếc khăn quàng cổ.)

— Voltaire[205][206]


Các nhà sử học khác thì không cho rằng Friedrich là một người đàn ông, họ cho rằng ông từng viết: ông chỉ là "một kẻ có ưu thế hơn những người phụ nữ" mà thôi. Tuy nhiên, giáo sư người Pháp là Dieudonné Thiébault cho rằng nhà vua đã yêu một cô gái tại Neuruppin.[207] Theo quan Ngự y nổi tiếng người Thụy Sĩ là Johann Georg Ritter von Zimmermann (1728 – 1795), ông muốn những lời đồn đồng tính luyến ái trở nên đúng, để cho dân chúng không nghĩ rằng cơ quan sinh dục của ông đã bị tổn thương trong một "ca mổ phẫu thuật hiểm nghèo" nhằm giúp ông thoát khỏi bệnh hoa liễu.[208] Zimmermann cũng cho biết, rất nhiều người Đức và Pháp (đều là kẻ thù hoặc bạn hữu của nhà vua) đã vu cáo nhà vua là người đồng tính luyến ái. Theo kết luận của nhà sử học người ÚcChristopher Clark, tác giả cuốn Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947:

Ông có lẽ đã không thực hiện quan hệ tình dục với bất kỳ một nam nữ nào đó sau khi ông lên ngôi Quốc vương, hoặc có thể là trước đó. Tuy nhiên, nếu ông không làm việc đó, chắc ông phải phủ nhận nó. Thời đó, các quan đại thần trong Triều đình Phổ đã nói với nhau những lời đùa về sự loạn dâm đồng tính.

— Christopher Clark[209]
Friedrich II qua tranh sơn dầu trên vải bạt của Anna Dorothea Therbusch (1775).

Về cuối đời, nhà vua ngày càng trở nên cô độc ngay từ giữa cuộc chiến tranh Bảy năm.[210] Khi đại thần Michael Gabriel Fredersdorf muốn lấy vợ, nhà vua nói khôi hài: "Phải chăng đám cưới của khanh sẽ được tổ chức hôm nay thay vì ngày mai nếu nó mang lại cho khanh niềm vui sướng và thảnh thơi, hoặc nếu nó mang lại cho khanh một kẻ do thám và một tên tiểu đồng?" Theo thời gian, những người bạn hữu của ông tại khu Sanssouci lần lượt qua đời mà không hề có người thay thế. Dù từng cãi lộn với Voltaire, khi Voltaire qua đời, Friedrich II vẫn không hề cắt đứt mối quan hệ với nhà triết học người Pháp: Ông gửi thư cho nhà toán học Jean le Rond D'Alembert vào ngày 22 tháng 6 năm 1780: "Cứ mỗi sáng ta đều cầu nguyện ông ấy. Ta nói: "Voltaire thiêng liêng...".[170] Friedrich trở nên độc đoán, làm các tổng trưởng, tướng tá thất vọng. Khi ông đi tuần thú hoặc duyệt binh về dù nhân dân Berlin thường chào mừng nhà vua, nhưng ông không tỏ ra vui thú gì với thần dân, mà chỉ yêu quý thú cưng của mình - những con chó săn thỏ Ý.[211][212] Ông gọi một con chó là 'Hầu tước Pompadour', ví von nó với Nữ Hầu tước Pompadour.[213] Ông thương những chú chó ơn cả con người do:[214]

Chúng không phải là những kẻ lạnh lùng, chúng luôn thân thiết với người bạn của chúng.

— Friedrich Đại đế

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Friedrich II của Phổ http://www.1902encyclopedia.com/F/FRE/frederick-ii... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/222700/F... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/239929/J... http://www.britannica.com/eb/article-9060581 http://www.cliffsnotes.com/WileyCDA/LitNote/Candid... http://www.encyclopedia.com/html/L/Lagrange.asp http://books.google.com/books?id=-1IEAAAAMBAJ&lpg=... http://books.google.com/books?id=_9sImYb5e1AC&pg=P... http://www.heritage-history.com/www/heritage.php?D... http://www.historicreeseville.com/early2.htm